CÔNG TY TNHH MTV GỖ GIA VŨ

Chi tiết

Tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày Đăng: 01/12/2016 - 3:48 PM
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật: 6/25/2016 - Số lượt đọc: 4727

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hình thành được các vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây và thủy sản tập trung sản xuất theo VietGAP, Global GAP.

 

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hình thành được các vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây và thủy sản tập trung sản xuất theo VietGAP, Global GAP. Tuy nhiên, do thiếu thông tin về thị trường, tính liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong sản xuất chưa cao nên chưa thể giải quyết được tình trạng "được mùa rớt giá". Nguồn lực đầu tư cho quá trình tái cơ cấu hạn chế, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn nhiều khó khăn… Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả cần giải quyết nhiều vấn đề.
 
Chuyển biến, nhưng chậm
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013. Đề án gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; Bộ NN&PTNT đã làm rõ mục tiêu và định hướng phát triển ngành; quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa nền nông nghiệp cả nước sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, hướng mạnh vào nâng cao giá trị, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết Bộ đã xây dựng, ban hành 12 đề án và kế hoạch cụ thể hóa định hướng, giải pháp tái cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến, thủy lợi cùng các nhóm giải pháp về tái cơ cấu đầu tư, đổi mới cơ chế, chính sách, nghiên cứu chuyển giao khoa học, tổ chức lại sản xuất, đào tạo nhân lực… Đến nay, các địa phương đều xây dựng Đề án, hoặc Kế hoạch hành động trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
                                         
Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn vùng đã chuyển đổi 78.375ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, dưa hấu, bắp, mè, đậu tương, thanh long… nhiều diện tích chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn 20-30% so với trồng lúa; cá biệt có mô hình trồng bắp tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang cho lợi nhuận1,5-1,8 lần so với trồng lúa. Các tỉnh thành đã quy hoạch "cánh đồng lớn" trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Trên lĩnh vực chăn nuôi, các địa phương định hình vùng chăn nuôi tập trung, xác định vật nuôi chủ lực. Công tác quy hoạch nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được triển khai trên diện rộng. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt 142 dự án đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã công nhận và công bố 15 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện tham gia Nghị định 67. Các địa phương xác định tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và cá tra là đối tượng nuôi chủ lực, trong năm 2014-2015 phát triển theo hướng duy trì diện tích, sản lượng, nâng cao chất lượng, tăng liên kết, ứng dụng khoa học vào nuôi trồng để làm bước đệm mở rộng thị trường. Ban chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả chủ lực trồng tập trung vùng Nam bộ (theo Quyết định số 2819 của Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo xử lý cho ra hoa nghịch vụ, thu hoạch rải vụ 5 loại trái cây: thanh long, sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn nhằm bước đầu giải quyết tình trạng "được mùa, rớt giá" và mở cửa được một số thị trường khó tính cho thanh long, nhãn, chôm chôm…
 
Trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL vừa qua tại Đồng Tháp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, nhiều ý kiến của các địa phương cho biết, các địa phương đều nỗ lực triển khai đề án gắn với xây dựng nông thôn mới; bước đầu đã rà soát quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, mỗi tỉnh, thành đều xây dựng đề án riêng lẻ trên cơ sở xác định thế mạnh của từng địa phương, thiếu thông tin về thị trường; thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên vùng nên chưa giải quyết triệt để tình trạng "được mùa, rớt giá". Diện tích lúa tham gia "cánh đồng lớn" chỉ chiếm 3,3% diện tích sản xuất. Nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu hạn chế, trong khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển chưa sát nhu cầu thực tiễn… Các địa phương đề xuất cần cơ chế, chính sách đặc thù riêng để tái cơ cấu đạt hiệu quả.
 
Tăng nguồn lực đầu tư
 
Lãnh đạo nhiều địa phương ĐBSCL cho rằng, đến nay, kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa rõ nét, địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai và tổ chức thực hiện; xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu đề ra. Hợp tác xã , tổ hợp tác được xem là mô hình tiên tiến để xóa dần tư duy "tiểu nông" nhưng mô hình này đang khó nhân rộng. Toàn vùng có 1.200 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 11,5% số lượng hợp tác xã cả nước. Năm 2014, kết quả phân loại của 6/13 tỉnh, thành có 38% hợp tác xã nông nghiệp đạt loại khá, 30% trung bình, còn lại 32% yếu kém và ngừng hoạt động. Tổ hợp tác, trung bình mỗi địa phương trong vùng có 1.367 tổ, tăng bình quân 163 tổ mỗi năm; dù xuất hiện một số mô hình tổ hợp tác có cách làm hay, hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ sức tạo sự đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp. Các địa phương đều cho rằng, việc phát triển hợp tác xãtổ hợp tác là yêu cầu tất yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo đột phá mới trong sản xuất. Muốn làm được điều này cần sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị.
 
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, hợp tác xã là xương sống của tiến trình tái cơ cấu, hợp tác xã mới khắc phục được những tồn tại, hạn chế của cách thức sản xuất lạc hậu. Tuy không thể quyết định giá cả đầu ra trong vòng quay của thị trường nhưng hoàn toàn có thể chủ động chi phí đầu vào, từ thực hiện đúng quy trình canh tác trong một hợp tác xã. Quan điểm tái cơ cấu của tỉnh là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, dựa trên3 định hướng: hợp tác - liên kết - thị trường và 3 yêu cầu: giảm chi phí sản xuất - nâng cao chất lượng nông sản - đa dạng hóa nông sản chế biến. ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng khẳng định liên kết trong sản xuất giữa nông dân - doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc liên kết được thực hiện giữa Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu dừa Bến Tre với những hộ dân ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm từ năm 2012, dù chỉ với 6.000 ha (hiếm 10% diện tích dừa toàn tỉnh) nhưng mối liên kết này đã đạt hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn còn một vài bất cập trong quá trình thực hiện hợp đồng, do đó cần nêu rõ các điều khoản trong hợp đồng và phải có chế tài xử lý để thực hiện tốt hơn.
 
Các địa phương kiến nghị Chính phủ tăng nguồn lực đầu tư cho vùng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra cho nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Có chính sách ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp - nông thôn. Bởi hiện nay các Nghị định 210, Nghị định 42, Nghị định 67, Nghị định 35 của Chính phủ; cùng các Quyết định 62, Quyết định 68, Quyết định 50, Quyết định 580… về các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn thời gian thực hiện ngắn, chưa sát thực tiễn sản xuất, điều kiện của từng vùng. Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung những chính sách này cho sát thực tiễn, cho phép các địa phương thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp đối với hợp tác xãtổ hợp tác như đối với nông nghiệp theo Nghị định 210. Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo chiều sâu, công nghiệp chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, thủy sản quy mô lớn, vừa thực hiện nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế nhập khẩu, nhằm góp phần hạ giá thành sản xuất…
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ghi nhận các kiến nghị của địa phương và khẳng định, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đảm bảo nông dân có cuộc sống khấm khá hơn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp cả nước, nhưng quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chậm, nhiều địa phương quá cầu toàn trong xây dựng đề án, nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì nông nghiệp có nguy cơ thua trên sân nhà. Các địa phương cần nhanh chóng rà soát các quy hoạch, nâng cao chất lượng của các hợp tác xãtổ hợp tác để thúc đẩy quá trình liên kết trong sản xuất. Cơ quan nhà nước đóng vai trò "bà đỡ" cho mối liên kết nông dân - hợp tác xã tổ hợp tác - doanh nghiệp. Phải để các chủ thể liên kết tự tìm đến nhau, trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên. Bộ NN&PTNT cần theo sát quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của các địa phương để kịp thời hỗ trợ. Các địa phương phải vạch lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu.
 
Song Nguyên (Báo Cần Thơ)

Các tin khác

Tại sao chọn chúng tôi

CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

Gia Vũ luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm: Các quy trình sản xuất khắt khe

NGUYÊN TẮC KINH DOANH

Trách nhiệm, Tôn trọng và Hiểu rõ yêu cầu khách hàng là chìa khóa thành công và tạo nên giá trị Gia Vũ.

VĂN HÓA GIA VŨ

Ba yếu tố trên đảm bảo chúng ta tạo nên giá trị Mến võ bằng việc thực hiện các cam kết với khách...

HỖ TRỢ TỐI ĐA

Hỗ trợ, tư vấn khách hàng 24/24h kể cả vào ngày nghỉ, lễ, tết. Giao nhận miễn phí bất kể mưa, nắng, gió,...